Bông thuỷ tinh có độc hại không? Ứng dụng của bông thuỷ tinh như thế nào? Những điều cần biết về bông thủy tinh? Hãy cùng 123xaydung.com giải đáp tất cả câu hỏi trên qua bài viết sau đây nhé!
Trong cuộc sống hiện đại, nhu cầu an toàn tại nhà ở, các tòa nhà, công trình kiến trúc ngày càng cao. Do đó, vật liệu cách nhiệt, cách điện được ứng dụng ngày càng nhiều trong ngành xây dựng. Trong bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn về một trong những loại vật liệu chất lượng đang được nhiều nhà thầu sử dụng hiện nay. Đó chính là bông thuỷ tinh.
1. Bông thuỷ tinh là gì?
Bông thủy tinh là một loại vật liệu đặc biệt được sử dụng trong xây dựng với những tính năng nổi bật như cách điện, cách nhiệt, cách âm. Nó đang là một trong những sự lựa chọn tốt nhất cho các công trình hiện nay.
Bông thuỷ tinh được cấu tạo từ những sợi thuỷ tinh tổng hợp làm từ các nguyên liệu thô là thuỷ tinh, xỉ, đất sét hoặc đá, không có cấu trúc phân tử thạch anh. Bên trong chứa các chất aluminum, silicate canxi, một lượng nhỏ các oxit và kim loại khác. Trong quá trình sản xuất, nhiều túi khí nhỏ xuất hiện nằm giữa sợi thủy tinh, tạo khả năng cách nhiệt, cách điện cao.
Đặc điểm của bông thuỷ tinh:
- Các sợi bông thủy tinh có màu sắc khá nổi là màu vàng tươi hoặc vàng đậm.
- Các loại bông thủy tinh hiện nay có tỷ trọng không quá cao, nằm trong khoảng 12 - 96kg/m3.
- Bông thủy tinh được cấu thành từ các sợi bông dài và dai, các sợi bông liên kết với nhau tạo sức bền cho vật liệu nhưng với mật độ không cao.
- Bông thủy tinh khá mỏng, mỗi miếng có độ dày là 25mm hoặc 50mm.
- Bông thủy tinh cơ bản, không tráng nhôm có thể chịu được nhiệt độ từ -4 °C đến 350 ° C. Còn đối với bông thuỷ tinh tráng nhôm, nhiệt độ nó chịu được thấp hơn vì từ -4 ° C đến 120 ° C vì lớp nhôm là kim loại có thể dẫn điện, dẫn nhiệt tốt.
2. Ưu nhược điểm của bông thuỷ tinh
2.1 Ưu điểm
- Khả năng cách điện, cách nhiệt tốt: Những sản phẩm như tường, trần… làm từ bông thủy tinh có thể làm giảm đến 30% nhiệt độ nóng bức từ bên ngoài, ngăn cách tiếng ồn từ bên ngoài vào một cách đáng kể.
- Quy trình lắp đặt, thi công khá dễ dàng: với trọng lượng khá nhẹ so với các vật liệu khác, các thợ có thể di chuyển, lắp đặt và thi công bông thủy tinh khá dễ dàng. Ngoài ra với độ dày nhỏ, giúp người thi công dễ cắt xén và tạo hình trong quá trình xây dựng.
- Bông thủy tinh là vật liệu khá an toàn cho thợ thi công và người sử dụng vì tính kiềm rất nhỏ. Bên cạnh đó, cấu tạo mềm mại, không có góc cạnh nhọn nên không gây vết cắt, xước cho người tiếp xúc.
- Bông thủy tinh có khả năng kháng nấm mốc và vi khuẩn, không bị ăn mòn nên có thể yên tâm sử dụng trong thời gian lâu dài.
2.2 Nhược điểm
- Những sợi, bụi thủy tinh bay vào không trung khi thi công có thể bay vào mắt làm cộm mắt. Khi dính vào da có thể gây ngứa ngáy và khó chịu.
- Bông thủy tinh khi bị phân hủy sau một khoảng thời gian sử dụng có thể ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của con người.
3. Ứng dụng bông thuỷ tinh:
3.1 Cách nhiệt
- Dùng làm lớp cách nhiệt dưới mái nhà, mái tôn, tường, vách, trần nhà… trong các công trình dân dụng.
- Lắp đặt vào hệ thống thang máy, hộp kỹ thuật, hệ thống điều hòa, ống dẫn, hệ thống lò hơi trong các công trình công nghiệp như điện lạnh, kỹ thuật...
- Bông thủy tinh còn được ứng dụng cách nhiệt, bảo ôn chống nóng cho các đường ống trong ngành điện lạnh, hệ thống lò hơi,.. tại các nhà xưởng khu công nghiệp.
3.2 Cách âm
- Sử dụng làm tường cách âm trong phòng thu, karaoke, rạp hát, hội trường… là những nơi cần có sự ngăn cách âm thanh với môi trường xung quanh hoặc cần đảm bảo chất lượng âm thanh trong phòng.
- Bông thủy tinh cũng dùng trong hút âm xây dựng, tại những nơi không gian rộng (sân vận động, nhà xe).
4. Bông thuỷ tinh có độc hại không?
Như đã nói ở trên, bông thủy tinh có ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không cẩn trọng. Tuy nhiên không đến mức gây độc hại cho người tiếp xúc. Các bụi thủy tinh nhỏ li ti bay trong không khí có thể gây kích ứng da, kích ứng đường hô hấp.
Nhưng những tác động đến sức khỏe này chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, sau đó sẽ dần biến mất, không gây hại gì nghiêm trọng cho con người. Việc này thường chỉ xảy ra với những người không cẩn trọng trong quá trình làm việc. Vì vậy cần có sự chuẩn bị về đồ bảo hộ để đảm bảo không bị tiếp xúc với bụi thủy tinh.
5. Lưu ý khi tiếp xúc với bông thuỷ tinh
Người ta hay nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì vậy, dù bông thủy tinh không quá nguy hiểm cho người xung quanh nhưng chúng ta cũng cần cẩn trọng và có những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Đối với các hộ gia đình có nhà thi công bằng bông thủy tinh, cần chú ý sửa chữa, thay thế khi lớp tường, vách, trần bị mục, nứt khiến bụi thủy tinh bay ra ngoài không khí và chú ý mặc đồ bảo hộ trong khi sửa.
Đặc biệt hơn, nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng và phôi nhiễm bông thủy tinh nhất là các công nhân sản xuất, thi công tại các nhà máy, công xưởng, công trình. Để bảo vệ sức khỏe, đối tượng này cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi thi công, xây dựng như: quần áo bảo hộ, kính che mặt, găng tay, ủng chuyên dụng. Sau khi thi công cần vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo không có bụi thủy tinh bám trên da.
Sau khi thi công, xây dựng xong, cần xử lý bông thủy tinh ở đúng nơi quy định, không vứt bừa ra môi trường sẽ làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người khác cũng như ảnh hưởng đến môi trường.